Giúp mỗi người giải thoát chính mình khỏi những nỗi đau khổ và mang lại nhiều sự trị liệu.
Dù đã trưởng thành như thế nào, bên trong mỗi người chúng ta đều ẩn chứa một em bé bị tổn thương. Cuốn sách “Thiền sư và em bé 5 tuổi” của thầy Thích Nhất Hạnh giúp mỗi người giải thoát chính mình khỏi những nỗi đau khổ và mang lại nhiều sự trị liệu.
Nhiều người trong chúng ta đều mang trong mình em bé bị tổn thương. Đó là nỗi lòng của những em bé đã từng khốn khổ về sự lạm dụng trong quá khứ; bị bạo hành bằng lời nói, nỗi đau bị bỏ rơi, ám ảnh tâm lý khi chứng kiến những câu chuyện khủng khiếp…Cho dù chuyện này đã xảy ra rất nhiều năm, cho đến khi “em bé” trưởng thành nhưng vẫn mang trong mình những vết sẹo chưa thể lành.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng: “Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ”. Nhưng có lẽ chúng ta quá bận rộn để có thể thực sự 1 lần chăm sóc đứa bé bị thương tích. Chúng ta đeo lên lớp mặt nạ của người lớn và chôn sâu đứa trẻ bên trong mình đang ngày đêm bị thương tổn trong lòng. Tuy nhiên, những tổn thương đó không bao giờ đi đâu cả, ta càng trốn tránh thì nỗi đau khổ không biến mất mà nó còn kéo dài âm ỉ hơn mà thôi.
Cuốn sách Reconciliation: Healing the Inner Child (tựa tiếng Việt: Thiền sư và em bé 5 tuổi) do Saigon Books phát hành của thầy Thích Nhất Hạnh dành cho mỗi đứa trẻ đang bị thương tổn trong tâm hồn. Không cần phải là người theo Phật pháp mới đọc hiểu quyển sách này, bởi đây là những câu văn nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu nhằm giúp mỗi em bé mang hình hài người lớn tự bảo vệ và phòng hộ trước những khổ đau trong tương lai.
Sách của thầy Thích Nhất Hạnh nổi bật ở chỗ, thầy luôn hướng đến việc giải thoát mỗi người ra khỏi nỗi đau khổ thường tình. “Thiền sư và em bé 5 tuổi” cũng không ngoại lệ. Tác phẩm gửi tặng ta món quà đầy giá trị: buông bỏ và làm lắng dịu khổ đau, không kẹt vào nỗi khổ đau khi chúng đang đi lên. Chúng ta chỉ quan sát xem chúng đi lên như thế nào. Quá trình này phải được diễn ra một cách tự nhiên. Sự trị liệu đích thực sẽ xảy ra trong quyển sách đòi hỏi người đọc phải đọc thật chậm và sâu để thực tập những phương pháp trị liệu tổn thương mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cập.
Bởi vì những nguồn năng lượng khổ đau, căng thẳng, nặng nề này có thể ăn sâu vào cơ thể ta, vào trong những cơ quan nội tạng của ta như thận, gan hoặc tim. Sau khi nguồn năng lượng này được phóng thích, cơ thể và các cơ quan nội tạng của ta sẽ bị mất thăng bằng, dễ bị tổn thương, do đó điều quan trọng là ta phải chăm sóc chúng và chuyển nguồn năng lượng này ra bên ngoài bằng một loại hình thể dục thể thao đều đặn nào đó, như thái cực quyền, khí công,… để giúp cơ thể được trị liệu.
Theo đó, thầy Thích Nhất Hạnh nêu ra một trong những bài tập trị liệu qua các phương pháp thiền tập như sau:
Mười sáu phép quán niệm
Bất cứ khi nào ta khổ đau mà không biết cách xử lý,không biết phải làm gì thì ta áp dụng 16 phép quán niệm hơi thở. Đây là những chỉ dẫn rất hữu dụng cho sự thực tập hằng ngày của chúng ta. Giúp chúng ta xử lý nỗi khổ niềm đau một cách hiệu quả.
Viết thư
Chỉ cần đặt bút xuống và ghi xuống bất cứ ý nào hiện ra trong ta. Đừng bận tâm về câu cú văn chương, chỉ cần viết ra thôi. Điểm mấu chốt ở đây là thiết lập sự truyền thông.
Năm cái lạy
Thiền lạy giúp chúng ta trở về với Đất Mẹ, trở về với gốc rễ tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng ta để nhận ra rằng chúng ta không bao giờ đơn độc một mình, trái lại chúng ta được kết nối với tổ tiên tâm linh, huyết thống và đất đai của chúng ta. Chúng ta tiếp xúc với Đất Mẹ để buông bỏ ý niệm ta là một cái ngã riêng biệt và nhắc nhở ta nhớ rằng chúng ta cũng là Đất Mẹ, một phần của sự sống.
Mẩu giấy nhắn tin
Khi có một ai đó làm chúng ta buồn khổ hoặc tức giận, chúng ta cần phải cho người đó biết trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nếu vì quá buồn tủi, khổ đau mà chúng ta không có khả năng nói với người ấy bằng ngôn ngữ yêu thương thì chúng ta có thể viết một mẩu nhắn tin đưa cho người ấy trước khi 24 giờ trôi qua.
Làm mới
Trong buổi làm mới, phần thực tập lắng nghe sâu bằng tâm từ bi rất quan trọng. Chúng ta lắng nghe những khó khăn và niềm đau của người khác với tinh thần tự nguyện để làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ mà không phải để phê phán hay tranh cãi.
Làm lắng dịu cảm xúc và vận động thân thể
Thông thường khi chúng ta ngồi thiền để quán chiếu, tìm ra gốc rễ của những nỗi buồn phiền và vướng mắc trong ta thì trong vòng một hoặc hai phút, những hình ảnh sâu đậm từ thời thơ ấu sẽ đi lên.
Vẫn với giọng văn ấm áp, chân thanh, Thích Nhất Hạnh truyền đi ngọn lửa không kém phần sâu sắc, nhằm hướng đến việc khiến mỗi người sống yên bình bằng cách chấp nhận mọi thứ không hoàn hảo và nhìn sâu vào nỗi sợ hãi và chiệm nghiệm về nó. Khi nhìn sâu chúng ta sẽ thấy được những phản ứng của ta về nỗi sợ hãi đó. “Bởi vì ta biết cách trị liệu, cho nên ta không bị những nỗi khổ đau bất ngờ ập tới.” – thầy Thích Nhất Hạnh nhắn nhủ.
Nguồn NCDT