Tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm và hầu hết chúng ta đều có cảm giác mơ hồ về nó. Một mặt chúng ta cần sự an toàn và tiện nghi mà nó có thể mang lại; mặt khác chúng ta lại sợ rằng sự thành công về tài chính sẽ phần nào hủy hoại đạo đức của mình. Chắc chắn, truyền hình và phim ảnh đã khắc họa hình ảnh người giàu có như những kẻ mưu mô và quỷ quyệt. Lần cuối mà bạn xem một chương trình thể hiện hình ảnh người giàu như một “anh chàng tốt bụng” là lúc nào?
Tôi rất thích một lời răn trong Kinh Thánh, rằng tình yêu tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Quả đúng như vậy, nếu bạn làm cho tiền bạc trở thành tình yêu của mình và theo đuổi sự giàu có tới mức quên những thứ khác hay với cái giá của những giá trị khác thì bạn đang thua cuộc chứ không phải chiến thắng.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng xem xét câu hỏi này: Nếu bạn có thể làm tốt hơn thì bạn sẽ làm chứ? Trong khoảng thời gian được phân công để làm việc hữu hiệu, bạn không cố gắng để đạt thành tích cao nhất trong khả năng của mình sao? Tôi tin rằng sự thỏa mãn lớn nhất của cuộc sống sẽ đến với những người tập được thói quen làm được tốt nhất với những gì chúng ta có. Thực tế, việc làm dưới khả năng tốt nhất của mình chỉ khiến tâm lý của chúng ta bị đè nặng mà thôi.
Con người dường như được sinh ra là để kinh doanh. Chúng ta đều bị các mùa thách thức. Chúng ta nhìn thấy đất đai, mặt trời, mưa và hạt giống và chúng ta cảm thấy như chúng đang thúc giục chúng ta khai thác chúng. Dường như cuộc sống và thiên nhiên đang nói: “Bạn có tài năng để tạo ra thứ gì đó độc đáo từ chúng tôi không? Chúng tôi là nguyên liệu thô. Bạn có thể tạo ra thứ gì tuyệt vời khi bạn hiện diện ở đây không?” Bạn và tôi, được sinh ra là để kinh doanh, không nên ngần ngại dấn thân cho điều đó – vì năng suất cao, vì sự khai thác triệt để khả năng thiên tài của chúng ta, vì sự khai thác triệt để tiềm năng của chúng ta về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình – kể cả lĩnh vực tạo ra sự thịnh vượng. Đó là bản chất của cuộc sống.
Những người từng trải biết rằng vấn đề không phải là chúng ta làm được bao nhiêu mà vấn đề là chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể làm với khả năng trời cho của mình.
Ý tưởng sau cùng này – làm mọi thứ chúng ta có thể làm với những gì chúng ta có – là cốt lõi của một cuốn sách đặt biệt. Cuốn sách có tên The Richest Man in Babylon (Người giàu nhất thành Babylon) của George Clayson. Đó là cuốn sách mỏng có thể đọc xong trong một buổi nhưng chứa đựng những điều cơ bản. Tôi gọi đó là Món Khai vị cho Thảo luận Toàn diện về Chủ đề Độc lập Tài chính và tôi khuyên bạn nên đọc nó.
Hành động và những thứ chúng ta mua nói rất nhiều về chúng ta. Chúng cho thấy triết lý sống, thái độ, tri thức và suy nghĩ – thậm chí cả đặc điểm của chúng ta. Vì thế giới bên ngoài luôn phản chiếu thế giới bên trong, chúng là những lời bình liên tục về khả năng cân nhắc và nhận thức của chúng ta.
Thậm chí còn có một câu nói nổi tiếng nói rằng: “Bạn đang nói gì quá lớn, tôi không thể nghe được bạn đang nói gì.”
Có một sự thật là: Mọi thứ là dấu hiệu của một thứ gì đó - hoặc đúng hoặc sai. Đó là lý do tại sao một chính sách khôn ngoan không được bỏ qua các dấu hiệu. Trong trường hợp một vài thứ nào đó trong cuộc sống của bạn không vận hành như lẽ ra nó phải vậy thì chúng cũng đa ng vận động như một hệ thống cảnh báo sớm, tuyên bố cho bất kỳ ai mong lắng nghe rằng có gì đó phải được thay đổi.
Ví dụ, bạn có thể xem xét phong cách sống của mình trong mối tương quan với thu nhập, nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn những gì mình kiếm được, bạn có thể đang cam kết tự sát từ từ về mặt tài chính. Món “đồ chơi” tiếp theo mua trả góp của bạn có thể là một liều thuốc độc bày trên chiếc đĩa bạc để mời bạn dùng.
Hãy xem những gì bạn đang làm với thu nhập hiện tại của mình. Bạn có đang sử dụng nó theo cách khôn ngoan, chi tiêu không nhiều hơn 70% tổng thu nhập của mình? Hay đang sống nhiều hơn thu nhập của bạn vài trăm đôla hay vài ngàn đôla một tháng? Hãy xem xét các dấu hiệu trước khi quá trễ. Tôi nhớ mình đã nói với ông Shoaff : “Nếu tôi đã có nhiều tiền hơn thì tôi sẽ có một kế hoạch tốt hơn.” Ông ấy nhanh chóng trả lời: “Tôi sẽ gợi ý rằng nếu cậu đã có một kế hoạch tốt hơn cậu sẽ có nhiều tiền hơn.” Đây là một phát biểu về tầm quan trọng chính yếu! Bạn thấy đó, không phải số lượng có ý nghĩa mà chính kế hoạch mới có ý nghĩa. Vấn đề quan trọng không phải là bạn tiêu dùng bao nhiêu mà bạn tiêu dùng như thế nào.
♻️ Phân chia cái bánh tài chính
Lần cuối cùng có ai đó dạy bạn cách vận hành hệ thống kinh tế của chúng ta là khi nào? Tôi không có ý nói đến những cuốn giáo trình lý thuyết mà là những kiến thức kinh tế đời thường? Đã có ai đó từng bảo cho bạn biết cách khôn ngoan nhất để chi tiêu từng đồng mà mình kiếm được? Tôi chắc chắn cũng chưa từng được dạy chút nào về việc này cho đến khi Shoaff kiên nhẫn cầm tay chỉ việc và giảng giải điều đó cho tôi.Kinh tế đời thường chắc chắn là một trong những môn thường xuyên bị bỏ sót nhất trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Tôi nói điều này vì trong những chuyến giảng bài trên khắp thế giới, tôi thường gặp ngay cả những người học hành đàng hoàng – bác sĩ, luật sư, phụ trách nhân sự cao cấp, thậm chí các doanh nhân – cũng không có một chút ý niệm nào về môn học này, cho dù là cách để quản lý tài chính của họ.
Những người giỏi giang này có thể đọc các báo cáo thường niên phức tạp nhưng lại dường như không hiểu về kinh tế đời thường, kiến thức kinh tế để trở nên độc lập về tài chính với một cơ sở ổn định, liên tục và hoàn toàn có thể đoán trước. Hệ quả của sự bỏ qua này, những người đó không dạy kiến thức kinh tế căn bản này cho con họ. Và vì vậy, hết thế hệ này sang thế hệ khác vẫn giữ nguyên sự lãng quên điều kỳ diệu của hệ thống kinh doanh tự do.
Vậy, hãy rộng lượng khi tôi cần thời gian để xem xét cách tiền bạc được phân bổ nhằm tạo nên sự thịnh vượng.
✅ Thuế
Tôi cũng thấy là chủ đề thuế má có thể hơi lạ lùng để bắt đầu thảo luận về việc tạo ra sự thịnh vượng. Thế nhưng, trong suốt cuộc đời của chúng ta, cho dù trẻ hay già, chúng ta cũng phải học được sự cần thiết của việc đóng thuế. Và ngay cả khi chưa có đồng nào, con cái của chúng ta cũng phải học để biết rằng khi tiêu tiền thì ngay lập tức chúng trở thành người tiêu dùng. Và tất cả người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, dù trẻ tới mức nào, cũng phải đóng thuế.
Nếu một đứa bé chỉ mới sáu tuổi khi lần đầu tiên đến cửa hiệu để mua thứ gì đó có giá một đôla thì chủ tiệm cũng đòi cậu bé thêm sáu xu. Cậu bé sẽ nhìn vào nhãn ghi giá và hỏi chủ tiệm tại sao lại có thêm sáu xu này. Đây là lúc để giải thích đầy đủ. Nếu phải lấy sáu xu của cậu bé, lẽ nào chủ tiệm không bảo cho cậu bé biết số tiền này đi đâu? Nói cho cùng, đó là sáu xu của cậu bé cơ mà. Cậu bé có thể hỏi chủ tiệm ai là người giữ số tiền đó. Chủ tiệm có thể giải thích đó là tiền đóng thuế, rằng ông ấy không giữ nó mà chỉ là thu hộ số tiền đó.
Hiển nhiên là cậu bé có thể hỏi hai câu hỏi tiếp theo, rằng ai lấy số tiền đó và nó được dùng vào việc gì. Với những câu hỏi này thì những câu trả lời hết sức quan trọng. Cậu bé phải được giải thích rằng vì tất cả chúng ta đều thỏa thuận chung sống với nhau nên chúng ta gọi chính chúng ta là một xã hội. Và để cho xã hội vận hành phù hợp, có một số điều chúng ta không chỉ tự làm lấy cho mình.
Ví dụ, mỗi người không thể tự làm lấy một đoạn đường phố. Chi phí máy móc sẽ cực đắt và cần rất nhiều thời gian để học cách sử dụng chúng. Vì thế chúng ta có chính phủ. Và một chính phủ được hình thành từ những người sẽ làm những công việc mà chúng ta không thể hay không muốn tự mình làm. Vì đường xá, vỉa hè, cảnh sát, cứu hỏa tất cả đều phải tốn chi phí nên chúng ta đồng ý đóng góp một khoản tiền cho chính phủ mỗi khi mua thứ gì đó.
Hiểu được điều này có ý nghĩa quan trọng. Tất cả chúng ta, dù là một đứa trẻ hay một người trưởng thành, đều phải học điều đó.
Shoaff đã thúc giục tôi trở thành một người đóng thuế hạnh phúc. Giờ đây, tôi phải thú nhận rằng cần phải mất một thời gian nhưng cuối cùng tôi cũng đã trở thành một người đóng thuế hạnh phúc. Một phần của sự chuyển hóa này xảy ra khi tôi bắt đầu hiểu ra chức năng của thuế má và tính đúng đắn khi mỗi người đều phải đóng góp công bằng phần của mình. Tất cả những gì tôi muốn nói là khi mọi thứ đã được tính toán, mọi khấu trừ hợp lệ đã được thực hiện và bạn đã làm tới dòng cuối cùng của bản khai thuế thu nhập của mình thì dù số lượng là bao nhiêu hãy đóng đầy đủ. Và đóng thuế với niềm hạnh phúc, hiểu rằng mình đang nuôi dưỡng con gà đẻ trứng vàng – những quả trứng vàng của tự do, an toàn, công lý và tự do kinh doanh.
Ít gà!
Ít trứng!
Sâu xa hơn, tôi tin rằng mọi người đều nên chi trả – thậm chí những người nghèo nhất. Tôi không đặt nặng dù đó chỉ là một đôla một năm. Vậy cũng đã đủ. Điểm mấu chốt là mỗi người nên vui sướng với phẩm giá của việc chi trả phần thuộc về trách nhiệm của mình.
Có một câu chuyện về chúa Giêsu và một vài môn đồ của người khi quan sát mọi người đến cúng cho đền thờ. Một vài người cúng những món tiền lớn. Một số khác cúng những món tiền ít hơn. Cuối cùng, một bà lão nhỏ bé đến và cẩn thận đặt hai đồng kẽm vào thùng tiền dâng cúng. Giêsu chỉ vào bà lão và bảo: “Hãy nhìn người đàn bà tuyệt vời này, người đã dâng cúng hai đồng kẽm của mình.” Các môn đồ của Người hết sức kinh ngạc. “Hai đồng kẽm!” Họ thốt lên. “Trong tất cả những dâng cúng tuyệt vời ở đây hôm nay, tại sao thầy lại chọn người đàn bà nghèo này làm gương?” Giêsu bảo: “Bà ấy đã dâng cúng nhiều hơn bất kỳ ai khác.” Họ nói: “Hai đồng kẽm – nhiều hơn bất kỳ ai khác? Hãy giảng giải cho chúng con, Thầy.” Giêsu nói: “Đúng, với bà ấy hai đồng kẽm là tất cả những gì bà ấy có.”
Thật phi thường!
Nhưng chúng ta hãy xem xét câu chuyện này sâu hơn. Đôi lúc những gì không được kể lại hàm chứa bài học sâu sắc hơn những gì được kể. Hãy nghĩ về những gì mà Giêsu đã không làm. Người đã không lấy hai đồng kẽm khỏi thùng tiền cúng và trả chúng cho cụ bà, nói: “Đây, bà lão, chúng ta đã quan sát thấy bà quá nghèo và quá tội nghiệp nên chúng ta sẽ trả lại bà hai đồng kẽm của bà.” Thật là một sự xúc phạm nếu điều đó xảy ra! Bà ấy chắc sẽ nói: “Có chuyện gì vậy, hai đồng kẽm của tôi không đủ tốt ư? Chúng là một phần rất đáng kể trong những gì mà tôi có. Người định lấy mất phẩm hạnh của tôi ư?” Dĩ nhiên, cảnh này không xảy ra. Và quả thật đó là bài học sâu sắc nhất.
✅ Quy luật 70/30
Sau khi đã trả phần thuế thuộc trách nhiệm của mình, bạn phải học cách sống với 70% thu nhập sau thuế của mình. 70% bạn sẽ chi tiêu cho những thứ cần thiết và những thứ xa xỉ. Còn ba mươi phần trăm? Cách bạn phân bổ 30% còn lại rất quan trọng. Hãy thử những cách sau:
- Từ thiện 10%
Trong 30% không chi tiêu, hãy dành một phần ba đóng góp cho từ thiện. Từ thiện là hành động đóng góp lại cho cộng đồng những gì bạn đã nhận được để giúp đỡ những người cần được hỗ trợ. Tôi tin rằng đóng góp 10% thu nhập sau thuế của bạn là một khoản tốt đáng để nỗ lực. (Bạn có thể chọn số lượng nhiều hơn hay ít hơn – tùy kế hoạch của bạn). Một số người thích đóng góp tiền từ thiện của họ qua các tổ chức cộng đồng; những người khác thì thích tự mình làm điều đó hơn. Nhưng dù bạn có tự mình quản lý khoản tiền này hay giao cho một tổ chức thì cũng phải bảo đảm rằng đã dành riêng một khoản thu nhập để cho đi.
Hành động cho đi nên được dạy từ khi còn nhỏ. Thời gian tốt nhất để dạy một đứa trẻ làm từ thiện là khi bé có được đồng tiền đầu tiên. Hãy dẫn bé thực hiện một chuyến tham quan. Dẫn bé đến nơi mà mọi người thực sự không tự lo liệu được để bé có thể học được lòng khoan dung. Nếu đứa trẻ hiểu, nó sẽ không có chút khó khăn nào khi cho đi đồng 25 xu. Trẻ em có trái tim lớn.
Có lý do tại sao hành động cho đi nên được dạy khi số lượng tiền còn nhỏ. Trích ra mười xu từ một đôla thì tương đối dễ. Bạn nói: “Ồ, nếu tôi có một triệu tôi sẽ không có rắc rối gì khi cho đi một trăm ngàn đô.” Tôi không chắc chắn như thế. Một trăm ngàn đô là một món tiền lớn. Tốt hơn chúng ta nên bắt đầu từ sớm để bạn sẽ phát triển thói quen này trước khi món tiền lớn này chắn đường đi của bạn.
- Đầu tư vốn 10%
Với 10% thu nhập sau thuế tiếp theo của mình, bạn sẽ đầu tư cho việc tạo nên sự thịnh vượng. Đây là món tiền bạn sẽ dùng để mua, khắc phục, chế tạo hay bán. Vấn đề then chốt là sự tham gia vào lĩnh vực thương mại, cho dù đó chỉ là việc tận dụng quỹ thời gian ngoài giờ làm việc.
Thế thì làm thế nào bạn có thể tạo ra sự thịnh vượng với 10% thu nhập mà mình đã dành riêng cho mục đích đó?
Có rất nhiều cách. Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng. Hãy xem xét kỹ những kỹ năng mà bạn đã phát triển trong công việc hay qua những sở thích của mình; bạn có thể chuyển những kỹ năng này thành những công việc kinh doanh sinh lợi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể học cách mua một sản phẩm với giá sỉ và bán với giá bán lẻ. Hay bạn cũng có thể mua bất động sản và cải tạo nó. Và nếu bạn đủ may mắn để làm việc tại một nơi có thưởng cho phần tăng năng suất, bạn có thể làm việc để tăng thu nhập và dùng khoản thu nhập này để đầu tư vào phần chủ sở hữu riêng bằng việc mua cổ phiếu.
Sử dụng 10% này để mua trang thiết bị, sản phẩm hay cổ phiếu – để bắt đầu. Không ai có thể nói được là loại thiên tài nào đang ngủ yên bên trong bạn để chờ được đánh thức bằng tia lửa cơ hội.
Đây là một ý tưởng hào hứng! Tại sao không làm việc toàn thời gian cho công việc của bạn và dùng thời gian ngoài giờ làm việc cho vận may của mình? Tại sao không cơ chứ? Và bạn sẽ cảm giác như thế nào khi có thể thành thật nói: “Tôi đang làm việc để trở nên thịnh vượng. Tôi không làm việc chỉ để đủ tiền thanh toán các hóa đơn của mình.” Khi bạn có một kế hoạch thịnh vượng, bạn sẽ đầy động lực đến nỗi khó lòng đi ngủ sớm mỗi tối.
- Tiết kiệm 10%
10% cuối cùng nên dành cho việc tiết kiệm. Tôi xem đây là một trong những phần hào hứng nhất trong kế hoạch thịnh vượng của bạn vì nó có thể mang lại cho bạn sự yên tâm bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho những “mùa đông” của cuộc đời.
Theo internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét