Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Hạ mức độ chịu đựng stress của bạn


Dường như chúng ta đang đi ngược quy luật phát triển của xã hội. Bằng chứng là chúng ta có xu hướng ngưỡng mộ những người đang gánh chịu vô vàn stress, đang vật vã với hàng đống stress hay đang sống dưới một áp lực lớn. Khi có ai đó nói “Tôi đã làm việc rất vất vả” hay “Tôi thực sự căng thẳng đến kiệt sức” , chúng ta thường tỏ ra khâm phục, có khi còn ngấm ngầm thi đua để “bị stress” nhiều hơn họ, để mọi người thấy rằng ta là người quan trọng với trăm công nghìn việc phải giải quyết. Và hệ quả không mấy ngạc nhiên là họ thường xuyên tìm đến các văn phòng tư vấn giải tỏa stress. Tuy nhiên, họ đến đó không phải để “cắt cơn” stress mà chỉ hy vọng tìm ra những giải pháp mới giúp họ tăng cường khả năng chịu đựng stress để có thể sống chung với stress nhiều hơn nữa!

Xét về mặt cảm xúc, có một điều mọi người thường không nhận ra: đó là mức độ stress tỉ lệ thuận với khả năng chịu đựng của chúng ta. Bạn thử để ý xem, những người hay nói: “Tôi có thể xoay xở tốt với rất nhiều vấn đề căng thẳng”  luôn luôn là những người chịu nhiều stress nhất! Thông thường, đối với những người này, chỉ cần thêm một khủng hoảng là họ rối loạn tinh thần hay trở nên điên loạn, chẳng hạn vợ/chồng họ bỏ đi, gặp trục trặc về sức khỏe, nghiện ngập...

Thực ra, đối với stress, bạn hãy cố gắng nhận thức stress từ trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nếu bạn cảm thấy đầu óc đang hoạt động quá nhanh, hãy giảm tốc độ. Khi bạn cảm thấy lịch làm việc có vẻ quá sức, đó là dấu hiệu để bạn đi chậm lại và rà soát xem việc nào thực sự quan trọng thay vì cố sức hoàn thành mọi việc. Hãy tạo điều kiện để bản thân thư giãn. Bạn sẽ thấy khi bản thân bắt đầu bị stress, nó cũng giống như hình ảnh của quả bóng tuyết đang lăn từ đỉnh dốc xuống vậy. Khi quả bóng còn nhỏ, bạn có thể dễ dàng kiểm soát nó. Nhưng một khi nó đã lấy được đà và tích thêm nhiều stress trên đường đi của nó, sẽ rất khó khăn cho bạn, nếu không muốn nói là không thể, để dừng nó lại.

Vậy, bạn có thể tự giải tỏa stress cho mình bằng cách đừng lo lắng nếu bạn không hoàn thành tất cả mọi việc. Khi đầu óc tỉnh táo, thanh thản và mức độ stress giảm xuống, tự nhiên bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và có nhiều niềm vui hơn. Và bạn nên nhớ rằng, bạn không cần phải tìm đủ mọi phương cách xoay xở với stress.

Trích Tất cả đều là chuyện nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét