Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020
Cho phép bản thân được nhàn rỗi
Một người bạn từng nói với tôi: “Chúng ta không còn là những con người đang sống nữa mà đã trở thành những con người hành động”. Quả thực với nhiều người trong chúng ta, chưa kể đến những trách nhiệm phải thực hiện thì cuộc sống đã đầy các tác nhân kích thích không cho phép chúng ta ngồi yên nhàn rỗi – cho dù chỉ trong vài phút.
Tôi còn nhớ thời gian theo học với một bác sĩ chuyên khoa ở La Conner, Washington, một thị trấn nhỏ với rất ít “việc phải làm”. Sau ngày học đầu tiên, tôi hỏi vị bác sĩ hướng dẫn: “Ở đây buổi tối có thể làm gì thưa thầy?”. Ông trả lời: “Điều tôi muốn anh làm là cho hãy phép bản thân mình thỉnh thoảng được nhàn rỗi. Anh không phải làm gì cả. Đây là một phần của đợt huấn luyện”. Lúc đầu tôi ngỡ ông nói đùa! “Tại sao tôi lại phải nhàn rỗi chứ?” – tôi hỏi. Ông chậm rãi giải thích: “Nếu anh cho phép bản thân có thời gian nhàn rỗi, trong một giờ chẳng hạn, thì sau đó sự nhàn rỗi sẽ được thay thế bằng sự bình yên. Và đây chính lúc anh học được cách thư giãn”. Ồ! Đây là lần đầu tiên tôi được khuyên về một cuộc sống nên có sự buồn chán!
Và cũng thật bất ngờ, tôi nhận ra rằng ông hoàn toàn đúng. Chúng ta đã quá quen với việc lúc nào cũng hoạt động không ngừng, hết việc này đến việc khác, cho nên khi không có việc gì để làm, chúng ta trở nên khó chịu, bức bối như thể cuộc sống đã chấm dứt. Thực ra, việc để cho bản thân có thời gian nhàn rỗi là một ý tưởng tích cực, nó giúp chúng ta có khoảng thời gian để thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Ở đây tôi không nói đến hàng giờ nhàn rỗi vô ích hay lười biếng, mà chỉ đơn giản là lĩnh hội được nghệ thuật thư giãn, nghĩa là chúng ta cần “biết sống” chứ không phải chỉ “biết làm” như một cái máy. Bạn chỉ cần ngồi yên, có thể là nhìn qua cửa sổ và để ý đến những suy nghĩ cũng như cảm giác của bản thân. Ban đầu bạn có thể cảm thấy bồn chồn nhưng dần dần mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Phần lớn những cảm giác lo lắng và đấu tranh nội tâm của chúng ta bắt nguồn từ đầu óc bận rộn, lúc nào cũng mong muốn được hoạt động và luôn tự hỏi sau khi hoàn thành một việc là “Tiếp theo là gì?”. Khi đang dùng bữa tối chúng ta thắc mắc không biết món tráng miệng là gì. Khi ăn món tráng miệng ta lại cân nhắc tiếp đến nên làm gì nữa. Sau buổi tối như thế lại là câu hỏi “Cuối tuần này ta nên làm gì nhỉ?” … Hoặc khi trở về nhà sau bữa tối bên ngoài, chúng ta lập tức mở ti-vi, nhấc điện thoại, đọc sách hoặc bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Mọi điều diễn ra cứ như thể không có việc gì để chúng ta làm nữa, dù chỉ trong một phút.
Lợi ích của việc “không làm gì cả” là giúp bạn dọn dẹp đầu óc và thư giãn. Cũng như cơ thể, đầu óc bạn cần những lúc nghỉ ngơi để thoát khỏi nhịp điệu quay cuồng của nó. Sau đó, nó sẽ trở lại hoạt động mạnh mẽ, sắc bén, tập trung và sáng tạo hơn.
Trích Tất cả đều là chuyện nhỏ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét