Chương 12: Nụ cười
Tôi cho rằng tâm trạng buồn rầu vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, thậm chí tôi còn nghiêng về hướng cho rằng phần lớn bệnh tật là do chúng ta bỏ quên phép lịch sự mà ra. Ý tôi muốn nói đến sự tàn bạo của cơ thể con người lên chính nó. Cha tôi từng có thời gian quan sát súc vật do công việc của ông[20] và thấy rằng, tuy chịu cùng những điều kiện như con người và có xu hướng lạm dụng ngang với con người, súc vật ít đau ốm hơn con người. Điều đó làm ông kinh ngạc. Ấy là vì con vật không có tâm trạng, ý tôi muốn nói đến sự cáu giận, mệt mỏi, hay chán chường, những cái được chính tư duy con người dung dưỡng. Ví dụ, ai cũng biết rằng đầu óc ta tức tối vì khó ngủ lúc nó đang muốn ngủ, và chính sự căng thẳng ấy làm cho nó mất ngủ. Những khi khác, do lo lắng những gì tệ hại nhất, đầu óc để cho những ảo tưởng đen tối chi phối và gây nên tâm trạng lo âu, thứ cản trở quá trình lành bệnh. Chỉ cần trông thấy cái cầu thang là tim ta đột nhiên thắt lại, vì một hiệu ứng tưởng tượng đã bóp nghẹt hơi thở, đúng vào lúc mà ta cần thở thật nhiều. Còn cáu giận đúng là một dạng bệnh tật, giống như ho, người ta thậm chí còn có thể xem ho như một loại bực tức. Mặc dù ho có nguyên nhân xuất phát từ tình trạng cơ thể, nhưng trí tưởng tượng mong chờ cơn ho và có khi còn đi tìm nó, với ý tưởng điên rồ là muốn thoát khỏi cơn bệnh bằng cách làm cho nó trầm trọng thêm, y hệt như những người gãi ngứa. Tôi biết là con vật cũng gãi, đến mức tự hại mình, nhưng con người giữ độc quyền trong cái khả năng nguy hiểm là biết gãi bằng tư duy, và bằng cảm xúc của mình, một cách trực tiếp, mà kích động tim và làm tăng huyết áp.Tạm bỏ qua cảm xúc vì không phải cứ muốn là ta có thể thoát khỏi chúng. Người ta chỉ làm được điều đó bằng nguyên tắc đường vòng, như một người đủ khôn ngoan để không theo đuổi danh vọng, để khỏi bị cuốn tới chỗ ham hố nó. Tâm trạng buồn rầu trói chặt ta, bóp nghẹt, chẹt cổ ta bằng cái hiệu ứng duy nhất mà chúng ta có trong tình trạng của một cơ thể hướng về nỗi buồn và dung dưỡng nỗi buồn ấy. Người đang buồn chán có cách ngồi, đứng, nói năng đặc trưng để dung dưỡng nỗi buồn chán. Kẻ cáu giận thì gò mình lại theo một cách khác, còn kẻ chán nản lại nới lỏng, tôi có thể nói gần như buông lỏng cơ bắp được chừng nào hay chừng ấy, thay vì tự cho mình một phiên xoa bóp cho ra trò, cái mà cơ thể anh ta đang cần.
Phản ứng chống lại tâm trạng tuyệt nhiên không phải là chuyện phán xét, phán xét không làm được gì cả. Cái ta cần làm là thay đổi thái độ và cử chỉ một cách hợp lý, bởi vì các cơ hoạt năng là phần duy nhất của cơ thể mà ta có thể kiểm soát. Mỉm cười, nhún vai, là những động tác quen thuộc chống lại sự lo lắng. Xin lưu ý rằng những vận động rất dễ này có thể làm thay đổi tức thì tuần hoàn nội tạng. Ta có thể thoải mái duỗi mình và tự làm cho mình ngáp, đây là bài thể dục chữa lo lắng và bồn chồn tốt nhất. Thế mà kẻ nôn nóng không biết cách giả bộ dửng dưng, giống như người mất ngủ không biết cách giả vờ ngủ. Tâm trạng tồi tệ, trái lại, tự nó nói với nó, tự nó dung dưỡng nó. Thiếu đi sự khôn ngoan, ta phải viện tới phép lịch sự, chúng ta phải tìm đến nghĩa vụ mỉm cười. Đấy là lý do tại sao mà ta lại thích giao du với những người bàng quan đến thế.
20 tháng tư 1923
Chú thích:
[20] Cha của Alain làm nghề chăn ngựa.
Tác giả Emile Chartier
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét