Tâm hồn con người rất kỳ lạ: Khi bạn hành động mà không để ý đến những lời tán dương của người khác mà chỉ muốn làm cho họ tỏa sáng, một cảm giác sâu lắng khó tả sẽ xuất hiện bên trong bạn. Khi bạn làm cho người khác tỏa sáng, bạn cũng sẽ tỏa sáng. Nhu cầu được chú ý càng nhiều càng tốt là cái tôi khá lớn của mỗi chúng ta. Cái tôi đó luôn nói rằng: "Hãy nhìn tôi đây này. Chuyện của tôi thú vị hơn của anh nhiều. Việc của tôi mới quan trọng hơn việc của anh..." Đó là cái tôi muốn được nhìn nhận, được lắng nghe, được tôn trọng và được đối xử đặc biệt. Không những thế, nó còn xúi giục ta ngắt lời người khác, hoặc chờ đợi một cách thiếu kiên nhẫn đến lượt mình lên tiếng, hoặc lôi kéo cả câu chuyện về phía mình... Ít nhiều hầu hết chúng ta đều có thói quen không tốt này. Khi bạn đột ngột xen ngang và kéo câu chuyện về phía mình, bạn có thể giảm thiểu hứng thú chia sẻ của người đối diện, đồng thời tạo ra khoảng cách giữa bạn và họ. Lúc đó, cả hai đều trở thành người thua cuộc.
Ngược lại, khi bạn khích lệ người khác và giúp họ tỏa sáng bằng những câu nói như: "Điều đó thật tuyệt!" hay "Làm ơn kể cho tôi nghe thêm!" ... người nói chuyện với bạn sẽ cảm thấy vui hơn nhiều, vì chính bạn đang sẵn lòng lắng nghe. Họ sẽ không cảm thấy phải "tranh đấu" với bạn. Như thế, họ thấy dễ chịu hơn khi ở bên cạnh bạn và chia sẻ với bạn nhiều hơn. Tất nhiên cũng có lúc chúng ta cần trao đổi với nhau những trải nghiệm cá nhân, và chia sẻ trong vinh dự cũng như trong sự quan tâm lẫn nhau chứ không phải chỉ thể hiện một chiều. Điều này hẳn nhiên hoàn toàn đối lập với ý muốn đồ tước đoạt vinh quang của người khác. Và, điều kỳ diệu là, khi bạn không còn muốn giành phần vinh quang từ người khác, sự chú ý bạn hằng mong muốn sẽ được thay thế bằng sự tự tin trong chính con người mình.
"Khi bạn làm cho người khác tỏa sáng, bạn cũng sẽ tỏa sáng."
Trích "Tất cả đều là chuyện nhỏ"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét