Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra sự phản tác dụng của việc làm nhiều thứ cùng lúc, hay còn gọi là đa nhiệm (multitask). Khi đa nhiệm, chúng ta thường cảm thấy bản thân làm được nhiều việc hơn, nhưng thực tế lại không phải như vậy: đa nhiệm một cách thường xuyên có thể làm suy giảm khả năng tập trung.
Tuy nhiên, nếu bạn là một người “mắc bệnh” đa nhiệm mãn tính, luôn cảm thấy khó tập trung, liệu có hi vọng nào cho bạn lấy lại được những gì đã mất?
Nhà thần kinh học Daniel Levitin, giáo sư tâm lý học tại Đại học McGill (Canada) và là tác giả của quyển sách “This is Your Brain on Music: The Science of a Human Obsession” (Đây là bộ não của bạn khi nghe nhạc) đã chỉ ra cho chúng ta vài phương pháp thú vị để cải thiện khả năng tập trung và làm việc hiệu quả hơn:
Bước 1: Hãy ngủ nhiều hơn
Levitin cho biết, ngay khi chúng ta nghĩ đến các vấn đề công việc cần sự tập trung, khả năng chú ý của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện sinh lý. Nếu bạn không ngủ đủ giấc hoặc cảm thấy căng thẳng tột độ, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn để duy trì sự tập trung. Caffeine có thể làm tăng khả năng tập trung ở một số người, nhưng lại có thể làm suy yếu khả năng này ở một số người khác, do làm họ cảm thấy lo lắng hoặc "bồn chồn". Hãy thấu hiểu các nhu cầu của cơ thể để có thể nghỉ ngơi đúng cách và duy trì khả năng tập trung.
Bước 2: Hãy liệt kê ra những gì khiến bạn mất tập trung
Khi ai đó cố gắng thiền lần đầu tiên, việc tâm trí của họ đi lang thang hoặc để những suy nghĩ mông lung len lỏi vào tâm trí là điều hết sức bình thường, Diana Raab, tác giả của cuốn “Healing with Words: A Writer’s Cancer Journey” (Chữa bệnh bằng ngôn ngữ) cho biết “Chúng tôi gọi đó là tâm trí con khỉ (monkey mind) và hiện tượng tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn dành thời gian để tập trung vào việc gì đó”. Raab khuyên thêm là hãy viết ra những suy nghĩ bỗng nhiên xuất hiện trong tâm trí của bạn, như vậy bạn có thể khiến cho những điều phiền nhiễu này trôi đi mất, hoặc lưu lại để còn nhớ và giải quyết chúng sau này.
Bước 3: Hãy tắt bớt những thiết bị gây phiền nhiễu
Giống như bất cứ việc gì khác, nếu muốn tăng cường sự tập trung thì bạn phải tạo ra các điều kiện giúp bản thân thành công dễ dàng hơn, đây là ý kiến của chuyên gia phát triển con người Benjamin Brooks, người sáng lập của PILOT. Hãy luôn chắc chắn bạn có đủ những gì cần thiết trong tay và dành ra một khung giờ riêng khi xử lý công việc. Brooks cho biết thêm: “Hãy chắc chắn là bạn đã tắt thông báo từ email và các mạng xã hội khác.” Một khi các thông báo này được kích hoạt trên điện thoại thì chúng có thể điều khiển sự chú ý của bạn, gây tác động xấu đến việc tập trung.
Bước 4: Theo đuổi đến cùng những dự định của bản thân
Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng để có thể tập trung vào một điều gì đó, bạn phải cam kết với bản thân là sẽ làm điều đó. Levitin nói thêm rằng nếu không có những cam kết như vậy, bạn sẽ bị phân tâm bởi chính những suy nghĩ của bạn hoặc các nhu cầu khác của bản thân. Bạn phải quyết định rằng đây là công việc bạn sẽ hoàn tất ngay bây giờ và bạn phải thực hiện ngay và luôn, mà không cần đoái hoài đến các việc khác.
Bước 5: Chịu khó thực hành
Levitin cho biết, việc giành lại sự tập trung đòi hỏi phải thực hành rất nhiều. Bạn có thể cần phải bắt đầu với bài tập 10 phút - buộc bản thân phải tập trung vào công việc trong đúng 10 phút. Sau đó, từng bước tăng thời lượng tập trung. Mục tiêu ở đây là có thể giữ vững được sự tập trung vào công việc trong khoảng thời gian từ 25 đến 90 phút, thời lượng tập trung ở đây hoàn toàn tùy thuộc vào loại hình công việc và yếu tố tâm sinh lý của mỗi cá nhân.
Bước 6: Kết hợp giờ "nghỉ giữa hiệp"
Brooks cho biết, ở giữa các giai đoạn tập trung, việc nghỉ giải lao chút ít có thể giúp bạn tăng cường khả năng tập trung nhiều hơn. Những loại hình nghỉ ngơi khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau dành cho từng người, điểm mấu chốt ở đây là chuyển sang một thứ gì đó hoàn toàn khác so với những gì mà bạn đang làm trước đây.
Brooks lấy ví dụ: “Có thể dừng hoàn toàn công việc để đọc một cuốn sách về hàng không hoặc pha cho mình một tách cafe hay xem gì đó mới trên Internet - một cái gì đó hoàn toàn khác những việc bạn hay làm. Việc này cho phép tôi ‘reset’ lại bản thân, nhờ vậy khi trở lại làm việc, tôi sẽ làm việc một cách hiệu quả chứ không phải bị chìm sâu vào mớ phân tâm hỗn độn.”
Theo NCDT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét