Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Tinh thần khởi nhiệp bất diệt

Hôm nay, đọc bài báo này mà mình rất cảm phục tinh thần khởi nghiệp và cống hiến của bác Mỹ. Đất nước mình nhất định sẽ phát triển nhanh khi ngày càng có nhiều người như bác Mỹ.

Chúng ta cần học tập tinh thần, nhiệt huyết và tấm lòng của bác Thanh Mỹ. Đây là trang web của tập đoàn Mỹ Lan.
Nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh: Sơn Phạm


Anh Quốc Cường trầm ngâm nhớ lại: “Ngày nhỏ, chỗ chúng ta đang ngồi là cánh đồng tôi hay thả diều. Quê tôi khi đó nghèo, hoang sơ lắm”. Chính anh cũng không ngờ, hơn 20 năm sau, anh làm việc cho một tập đoàn công nghệ cao, rộng 20ha xây dựng trên chính vùng đất cằn cỗi năm xưa.

Về với Mỹ Lan nhiều năm, như những nhân viên lâu năm có trình độ khác, Cường được đào tạo để quen với công việc điều hành hỗ trợ cho “chú Mỹ”, cách gọi thân thuộc của hơn 600 nhân viên Công ty đối với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ. Là người sáng lập Công ty, gần đây, ông Mỹ lại nổi danh với danh hiệu “doanh nhân khởi nghiệp ở tuổi 60”.

Về Trà Vinh, không ai không biết đến Công ty Mỹ Lan, được Việt kiều Canada Thanh Mỹ thành lập tại quê hương cách đây 12 năm. Trên vùng đất hẻo lánh của một trong những địa phương nghèo nhất nước, một cơ sở vật chất đồ sộ mọc lên được ví như Thung lũng Silicon thu nhỏ. Không chỉ nói về cơ sở vật chất, một ngày ở Mỹ Lan có nhiều điều lạ. Nhân viên được phục vụ 3 bữa ăn/ngày, tăng thêm 2 bữa khuya nếu tăng ca. Tại khu nhà ăn sạch đẹp, các đầu bếp có tay nghề luôn bận rộn 24/7 chuẩn bị những bữa ăn không khác gì nhà hàng 4 sao cho nhân viên. Đặc biệt, toàn bộ thực phẩm từ thịt gà, heo, bò, đến trái cây, rau quả được tự nuôi trồng, thu hoạch tại cù lao nhà ông Mỹ ở bên kia sông.

Hằng ngày, ông chủ 61 tuổi, đậm nét chất phác của người miền Tây, giản dị ngồi ăn cơm cùng nhân viên. Hỏi vì sao lại tốn kém nhiều cho bữa ăn của nhân viên như vậy, ông cười: “Mười mấy năm đầu khi qua Canada, tôi đi rửa chén, phụ nhà hàng. Ông chủ khi đó lấy da gà, thứ bỏ đi để nấu cho nhân viên ăn. Nhân viên vì ghét điều đó, nên thỉnh thoảng để “trả thù”, thường vứt đi những nguyên liệu nấu ăn. Mấy chục năm cơ cực, tôi hiểu cảm giác thèm một bữa cơm ngon ra sao”, ông Mỹ kể.

“Trước khi vào Công ty, cô có thấy một hàng rào không? Tôi gọi đó là hàng rào chống ô nhiễm truyền thống”. Ông Mỹ quan niệm, về lập nghiệp tại quê hương, muốn xây dựng một công ty hoành tráng thì dễ nhưng xây dựng môi trường làm việc văn minh mới khó. “Mọi thói quen như hút thuốc, nhậu nhẹt, đánh bài... đều phải để lại ngoài hàng rào trước khi vào Công ty”, ông Mỹ cho biết.

Mỹ Lan sở hữu 3 Công ty tại Trà Vinh và liên kết với một Công ty mà ông Mỹ mở thời còn ở Canada, giờ đang được con trai lớn của ông tiếp quản. Vợ ông tiếp quản Tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh, chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao như vật tư ngành in, máy in, mực in phun, các màng trong đóng gói, bao bì thực phẩm... Ông là nhà khoa học sở hữu hơn 100 bằng phát minh, sáng chế. Không ít trong đó là những nghiên cứu được mua bản quyền đang sử dụng tại nhiều quốc gia. Nổi bật là sáng chế vật liệu tráng phủ bản in CTP được đăng ký độc quyền tại nhiều nước và chiếm hơn 60% thị phần bản in trong nước. Mỹ Lan còn sản xuất mực in, máy in cầm tay nhỏ gọn được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia, đem về doanh thu 6,4 triệu USD năm vừa rồi.

Năm 2015, doanh thu của Mỹ Lan là 20 triệu USD. Nhưng doanh thu không phải là mối bận tâm lớn nhất của ông. Vì hiện tại, Mỹ Lan đang trong giai đoạn đầu tư mạnh cho những dự án startup khá tiềm năng. Ba dự án startup được ông lập ra trong năm qua là Smart Fertilizer, Rynan Technologies và Rynan Agrifoods. Rynan là tên ghép từ chữ cái cuối cùng tên của các thành viên gia đình ông Mỹ gồm: con trai Christopher, ông Thanh Mỹ, bà Nhàn, con gái Christina và con trai Brian.


Đến với Smart Fertilizer khi ông Mỹ giật mình vì thấy nước sông Cổ Chiên bị ô nhiễm nặng, do ngấm NPK từ phân bón đổ ra từ các cánh đồng. Đây là thực trạng khi nông dân bón phân hiện nay chỉ một phần được cây sử dụng, còn lại tan vào nguồn nước, bốc hơi và phát thải khí nhà kính. Năm 2015, lượng khí nhà kính của Việt Nam là 360 triệu tấn, trong đó 43% từ nông nghiệp. Ông Mỹ vội sang Hàn Quốc tìm gặp chuyên gia và mua được mẫu phân thông minh nhưng không sử dụng được tại Việt Nam. Nhóm hóa học của Mỹ Lan nghiên cứu ròng rã trong hơn 3 năm trời và chế tạo thành công lớp vật liệu polymer dạng nano bao bên ngoài phân bón, giúp kiểm soát và điều khiển độ tan của phân bón.

Nhờ vậy, nông dân chỉ cần bón phân một lần duy nhất khi làm đất trước khi sạ lúa thay vì 4 lần như trước. Lượng phân sử dụng cũng giảm một nửa. Lượng phát thải khí nhà kính giảm đi 60%. Dự án được đầu tư 7 triệu USD, có công suất 20.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 3 năm sau và đem về doanh thu ước tính 12 triệu USD.

Với mong muốn nông dân dùng được loại phân công nghệ cao này nhưng vừa phải đảm bảo lợi nhuận cam kết với các quỹ đầu tư, ông Mỹ cắt bỏ đại lý và bán phân trực tiếp cho hợp tác xã và nông dân, cộng với giá trị gia tăng có được từ công nghệ giúp đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận. Còn với các loại cây còn lại, phân bón thông minh của Công ty vẫn bán theo cách thông thường nhưng giá chỉ bằng nửa so với hàng nhập khẩu.

Mô hình khởi nghiệp thứ hai của ông Mỹ phát triển dựa trên công nghệ Internet of things, Big data, công nghệ 4.0... nghiên cứu đồng hồ nước thông minh và gói giải pháp theo dõi nhiệt độ trong vận chuyển nông sản lạnh. Hai thực trạng nổi cộm của ngành nước mà ông Mỹ nhận thấy là hiện trạng rò rỉ 30% của hệ thống nước gây thất thoát tài nguyên. Ngành nước còn đang tốn một nguồn lực lớn khi phải đến từng nhà để ghi số nước tiêu thụ, phát hóa đơn...

Những chiếc đồng hồ nước thông minh này hoạt động trên nền điện toán đám mây, sau khi được cài đặt sẽ giúp chủ nhà kiểm tra được lượng nước tiêu thụ thông qua ứng dụng di động. Công ty cung cấp nước cũng theo dõi được số liệu này trên toàn mạng lưới mà không phải tốn hàng chục ngàn lao động. Nước bị rò rỉ ở đâu cũng dễ phát hiện.

Sản phẩm thứ 2 của dự án startup này là nghiên cứu liên quan đến vận chuyển nông sản. Dù là nước nông nghiệp, thế nhưng quá trình vận chuyển đang làm hư hại 40% sản phẩm nông sản. Vì thế, ông Mỹ đã nghiên cứu bộ giải pháp gồm cảm biến nhiệt độ trong xe - ổ khóa thông minh ngoài xe giúp thu và truyền tín hiệu lên hệ thống đám mây, có thể giúp chủ hàng kiểm tra được nhiệt độ lạnh trong quá trình vận chuyển nông sản.

Một ý tưởng khởi nghiệp khác của ông Mỹ cũng đang được triển khai là sản xuất bao bì đa lớp có công nghệ đặc biệt giúp bảo quản nông sản mà không sử dụng hóa chất và con số doanh thu đem về cũng được dự báo khả quan. Ví dụ, rau tươi đóng hộp giữ được 1 tháng, trái xoài bảo quản được trong 32 ngày.

Sau khi trao chức CEO Mỹ Lan cho vợ, ông Mỹ lùi về tập trung toàn lực cho các công ty khởi nghiệp. Đáng nói là ngoài vợ chồng ông, không ai trong Ban Lãnh đạo Công ty là người thân của gia đình. Con trai lớn của ông quản lý Công ty ADS ở Canada, con gái làm về luật, còn cậu út kinh doanh riêng.  Các chức vụ quan trọng của Mỹ Lan đều được những nhân viên trẻ gắn bó với Công ty nhiều năm tiếp quản. Những nhân viên này kể không ít lần chú Mỹ nói: “Chú làm công ty này để cho tụi con chứ không phải cho chú. Các con không làm thì ai làm?”.

Tại Trà Vinh, ông Mỹ là người kết nối Chính phủ Canada đầu tư hàng chục triệu đô la cho Trường Đại học Trà Vinh và cũng là người làm cầu nối để Tập đoàn Mỹ Lan và Trường Đại học Trà Vinh xây dựng nên chương trình Co-op (chương trình vừa học vừa làm), giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm và có được thu nhập để trang trải việc học. Nhiều nhân viên của Mỹ Lan được cho đi đào tạo ở nước ngoài mà không có bất kỳ chính sách ràng buộc nào. “Thời sinh viên, tôi chỉ ước sao được đặt chân lên máy bay. Còn giờ tôi thấy máy bay là ngán. Chỉ năm vừa rồi tôi đã đi Ấn Độ 5 lần. Từ ngày làm cho Mỹ Lan, tôi đi được hơn 15 nước để đào tạo, tham gia triển lãm...”, anh Quốc Cường tự hào kể.

Hỏi rằng ông không sợ mất đi nguồn lực và tiền bạc đầu tư cho nhân viên hay sao? Vẫn cách trả lời hóm hỉnh, ông Mỹ đùa: “Thà những người giỏi bỏ tôi đi, còn hơn một nhóm người dốt cứ theo tôi suốt đời. Mệt lắm!”. Chia sẻ thêm, ông cho rằng, những con người được đào tạo tốt sẽ có nhiều cách để cống hiến cho xã hội và cho công ty của ông. Vì vậy, sự đầu tư cho họ chẳng thiệt đi đằng nào.

“Tôi định sẽ làm thêm 9 năm nữa, chuyển giao công việc cho các cháu nhân viên xong, về già sẽ tiếp tục đi dạy, viết sách”, ông Mỹ tâm sự. Cuộc đời của cậu bé Trà Vinh nghèo năm nào, bôn ba và thành đạt nơi xứ người, giờ đến tuổi 60 vẫn không ngừng cống hiến và truyền lửa cho thế hệ kế cận trên mảnh đất quê hương. Vẫn vẹn nguyên mơ ước trong những ngày còn lăn lộn kiếm sống ở xứ người: “Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về Trà Vinh để lập nhà máy, giúp cho người dân quê tôi có cuộc sống tốt hơn...”


Theo NCDT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét